“Quan hệ Việt Nam – Ukraine: hiện trạng và triển vọng”
PGS.TS. Musiichuk Victoria
Viện Nghiên cứu Phương Đông mang tên A.Yu. Krymkyi -
Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine
Quan hệ chính trị - ngoại giao
Ukraine và Việt Nam có quan hệ hữu nghị từ khi Ukraine còn là một trong những nước cộng hòa của Liên Xô cũ. Khi đó đã có nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học, quân sự, giáo dục và kỹ thuật của Ukraine sang làm việc tại Việt Nam để giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất đất nước. Ukraine cũng đã góp phần xây dựng lại cơ sở hạ tầng sau chiến tranh, đào tạo chuyên gia các ngành, ủng hộ nhân đạo. Từ khi Liên Xô tan rã, Ukraine thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Năm 1991, sau khi Ukraine tuyên bố độc lập, hai nước Việt Nam và Ukraine đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau (ngày 23 tháng 1 năm 1992). Năm 1993 Đại sứ quán Việt Nam bắt đầu hoạt động tại Kyiv và đến năm 1997 thì Đại sứ quán Ukraine thành lập tại Hà Nội. Quan hệ ngoại giao ở các cấp trong các lĩnh vực từ đấy luôn được duy trì, củng cố và ngày một phát triển.
Trong những năm Ukraine độc lập, quan hệ giữa hai nước phát triển không đồng đều - có những thời kỳ hợp tác tích cực hơn, cũng như những thời điểm ngừng trệ. Tuy nhiên, về cơ bản, bản chất hữu nghị và thiện chí trong mối quan hệ vẫn được duy trì trong suốt thời gian.
Trong 31 năm quan hệ chính trị, hai bên đã trao đổi đoàn ở cấp cao và cấp cao nhất. Đặc biệt có chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ukraine tới Việt Nam vào năm 1996 và 2011, Chủ tịch nước Việt Nam thăm Ukraine vào năm 2000; chuyến thăm của Thủ tướng CHXHCNVN năm 1994 và 2011; chuyến thăm của Thủ tướng Ukraine vào năm 2012. Một số mốc thời gian về các chuyến thăm cao cấp có thể xem trên biểu đồ 1.
Biểu đồ 1. Chuyến thăm cao cấp giữa Ukraine và Việt Nam
Ngoài ra, các cuộc gặp ở các cấp độ khác nhau, các chuyến thăm trao đổi liên ngành và tham vấn chính trị cũng tạo điều kiện thuận lợi sự phát triển của quan hệ song phương. Nhờ các chuyến thăm và đàm phán hai nước ký kết được những hiệp định quan trọng. Tính đến giữa năm 2023, cơ sở pháp lý của quan hệ Ukraine-Việt Nam gồm có 51 văn bản song phương ở các cấp độ khác nhau [1]. Trong đó có những văn bản cơ bản như Hiệp định về các nguyên tắc quan hệ và hợp tác giữa Ukraine và nước CHXHCN Việt Nam (1996), Tuyên bố chung của Tổng thống Ukraine và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện giữa Ukraine và Việt Nam (2011), Hiệp định giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về Quan hệ Kinh tế và Thương mại (1992), Hiệp định giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (1994), Hiệp định giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự (1994), Công ước lãnh sự giữa Ukraine và nước CHXHCN Việt Nam (1994) v.v. Cũng có những thỏa thuận liên ngành, cụ thể góp phần thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển, nhưng lại chưa đề cập đến tất cả các lĩnh vực hợp tác cần thiết.
Nhìn chung, quan hệ chính trị Ukraine-Việt Nam được xây dựng trên tính hữu nghị và tương đồng về quan điểm đối với một số vấn đề có tính toàn cầu. Tuy nhiên, hai phía cần tích cực hoá đối thoại chính trị để hai bên nắm bắt tình hình trong bối cảnh không ổn đinh. Đặc biệt, phía Ukraine mong muốn phía Việt Nam, với tư cách là một đất nước tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, ủng hộ Ukraine trên chiến trường quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền chống xâm lược của Nga. Cũng như trước đây Việt Nam và Ukraine phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.
Đối tác kinh tế thương mại
Hợp tác kinh tế giữa Ukraine và Việt Nam được điều phối bởi Hiệp định liên chính phủ về quan hệ kinh tế và thương mại (1992), Hiệp định giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (1994), Hiệp định giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thuế đối với các loại thuế thu nhập và vốn đầu tư (1996), Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Ukraine và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2000), Nghị định thư về công nhận lẫn nhau nền kinh tế thị trường lẫn nhau năm 2007 và một số văn bản khác. Các xu hướng phát triển hợp tác kinh tế được vạch ra tại các phiên họp của Ủy ban liên chính phủ Ukraine-Việt Nam về vấn đề hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật, hoạt động từ năm 1993, đã tổ chức 15 phiên họp chung (lần gần đây nhất được tổ chức vào tháng 1/2021). Hoạt động của hai Phòng Thương mại và Công nghiệp cũng như phòng Thương mại của Đại sứ quán hai nước góp phần việc giới thiệu cơ hội cho doanh nghiệp, kết nối giữa các nhà kinh doanh và đầu tư, tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, tư vấn để hai phía có điều kiện hợp tác thuận lợi.
Quan hệ thương mại và kinh tế giữa Ukraine và Việt Nam trong 31 năm qua được phát triển dần dần. Trong những năm 1990, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều không vượt quá 50-60 triệu đô la. Đầu thế kỷ XXI chỉ số kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá mới vượt mốc 100 triệu đô la. Từ thời đó đến nay tiếp tục phát triển theo xu hướng tăng trưởng. Chỉ có năm 2022 các chỉ số xuất nhập khẩu giảm xuống nhiều vì lý do chiến tranh tại Ukraine. Xét về tỷ lệ xuất khẩu và nhập khẩu thì phân bố không đồng đều theo từng giai đoạn. Những năm 1990 - đầu những năm 2000 phần xuất khẩu từ Ukraine sang Việt Nam vượt phần nhập khẩu từ Việt Nam gấp nhiều lần. Từ năm 2007 Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng tỷ lệ xuất khẩu sang Ukraine và sau năm 2011 trong trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam luôn đạt xuất siêu. Mức cao nhất tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 851,3 triệu USD vào năm 2021 và có thể sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng vào những năm tiếp theo, nhưng chiến tranh đã làm thiệt hại cho sự phát triển quan hệ thương mại của Ukraine, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước khác. Hiện nay Ukraine xây lại hệ thống hậu cần, xem xét cơ cấu các mặt hàng và tìm giải pháp để phục hồi và tái tổ chức quan hệ kinh tế thương mại với các nước. Trong tình hình này quan hệ thương mại Ukraine - Việt Nam cũng có cơ hội được phát triển theo hướng mới.
Biểu đồ 2. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Ukraine và Việt Nam[2]
Trên biểu đồ 2 có thể thấy các chỉ số xuất nhập khẩu cùng số tổng kim ngạch theo từng năm. Trong 7 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu từ Ukraine sang Việt Nam mới đạt 19,7 triệu USD, nhập khẩu đạt 273,07 triệu USD, tổng kim ngạch đạt 292,77 triệu USD (tăng 27,27% so với cùng kỳ năm 2022). [3]
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ukraine sang Việt Nam là quặng và tinh quặng sắt, ngũ cốc, hóa chất, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thịt, thực phẩm chế biến, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị, dược phẩm, thức ăn gia súc v.v. Trong những năm gần đây, quặng sắt, tinh quặng sắt và ngũ cốc chiếm vị trí hàng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu từ Ukraine sang Việt Nam. Riêng quặng và tinh quặng sắt chiếm hơn một nửa tổng số kim nhạch xuất khẩu (năm 2021 đặt 170,96 triệu USD). Tuy nhiên, năm 2022 chỉ số này đã giảm tới 58,95 triệu USD, và năm 2023 Ukraine không xuất khẩu được mặt hàng này sang Việt Nam nữa. Lý do là một số xí nghiệp khai thác sản xuất quặng sắt bị phá hoại hoặc chiếm đóng bởi quân xâm lược của Nga, các xí nghiệp còn lại giảm công suất vì thường xuyên bị mất điện, ngoài ra các cảng của Ukraine bị chặn bởi quân đội xâm lược. Các mặt hàng nhập khẩu truyền thống từ Việt Nam là gạo, chè, cà phê, cao su, thủy sản, máy móc, hàng dệt may, giầy dép, đông dược. Tuy nhiên, những năm gần đây, mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là thiết bị điện tử (năm 2021 đạt 310,7 triệu USD).
Hoạt động đầu tư giữa Ukraine và Việt Nam được điều chỉnh bởi Hiệp định liên chính phủ về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1994), biên bản ghi nhớ giữa Cục Nhà nước về Đầu tư và Quản lý các Dự án Quốc gia của Ukraine và Cục Đầu tư nước ngoài của CHXHCNVN (2011). Tính đến ngày 31/12/2021, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Ukraine, vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam vào nền kinh tế Ukraine lên tới 3,3 triệu USD. Các dự án đầu tư lớn nhất năm 2021 tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại buôn và lẻ, sửa chữa ô tô và xe máy, lưu trú tạm thời và ăn uống. Vốn đầu tư của Ukraine vào Việt Nam năm 2021 lên tới 2,1 triệu USD. [4]
Hợp tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại. Hiệp định liên Chính phủ về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thuế đối với các loại thuế thu nhập và vốn đầu tư (từ năm 1996) đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển. Ngoài ra, còn có Hiệp định song phương về hợp tác giữa hai ngân hàng nhà nước (1998, 2011), Biên bản ghi nhớ giữa Uỷ ban Chứng khoán và Thị trường chứng khoán Nhà nước Ukraine và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước Việt Nam (2021). Tuy nhiên, hệ thống thanh toán giữa hai nước chưa được thuận tiện, điều này gây ra những khó khăn nhất định cho hoạt động kinh doanh. Mặt khác, bắt đầu từ năm 2019 một số công ty công nghệ tài chính từ Ukraine đã hoạt động thành công tại Việt Nam góp phần hiện đại hoá ngành ngân hàng.
Hợp tác khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo
Hợp tác trong ngành khoa học kỹ thuật giữa Ukraine và Việt Nam có lịch sử lâu dài. Thời Việt Nam khôi phục đất nước sau chiến tranh, nhiều chuyên gia kỹ thuật, xây dựng, khoa học các ngành từ Ukraine đã sang Việt Nam để xây các công trình cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ sản xuất, đào tạo chuyên viên sở tại v.v. Một số hướng hợp tác từ thời đó được tiếp tục phát huy trong nhiều năm và tận đến bây giờ. Một ví dụ tiêu biểu của sự hợp tác đó là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng được thực hiện thành công trong các dự án như xây dựng Hòa Bình, Yaly, Thác Mơ, Cần Đơn, Sê-san-3, Thác Bà và các nhà máy thủy điện khác. Về sau Ukraine đã tham gia trong việc xây dựng, thiết kế, hiện đại hóa, nâng cấp các nhà máy thủy, nhiệt điện và truyền tải điện.
Hiện nay, quan hệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ giữa Ukraine và Việt Nam được điều chỉn bởi những thoả thuận song phương như: Hiệp định giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học (1994), Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ (1996) và Kế hoạch thực hiện (2012), Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đo lường và đánh giá sự phù hợp (2000, 2011), Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh giữa Cục Khoa học, Đổi mới và Thông tin hóa Nhà nước Ukraine và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2012), Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998, bổ sung sửa đổi năm 2005), cũng như với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (cập nhật năm 2000), Biên bản nghi nhớ giữa Trung tâm Thông tin Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế Nhà nước Kyiv và Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (2012), Biên bản ghi nhớ giữa Cục Vũ trụ Nhà nước Ukraine và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình (2021) và những thoả thuận khác giữa cơ quan, viện nghiên cứu v.v. Uỷ ban liên chính phủ Ukraine-Việt Nam về vấn đề hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật hoạt động từ năm 1993. Trong đó có Tiểu ban về vấn đề hợp tác khoa học và kỹ thuật (phiên họp lần thứ 5 đã diễn ra vào tháng 12 năm 2011). Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Ukraine về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự hoạt động từ năm 1995. Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Ukraine-Việt Nam hoạt động tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine (Viện hàn điện E.O. Paton) và Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Việt Nam-Ukraine được thành lập tại Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Viện Vật lý và Điện tử).
Một trong những lĩnh vực hợp tác khoa học kỹ thuật là hợp tác kỹ thuật quân sự. Sự hợp tác này dựa trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự (năm 1994, bổ sung sửa đổi năm 2012) và hoạt động của Ủy ban điều phối liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự (từ năm 1995). Trong những năm trước, hợp tác trong lĩnh vực này thực hiệu theo những hướng như: hiện đại hóa vũ khí và thiết bị quân sự của Việt Nam, cung cấp các mẫu sản phẩm quân sự mới do Ukraine sản xuất (máy bay vận tải quân sự, tổ hợp tên lửa, thiết bị radar v.v.).
Hợp tác trong nhiều dự án khác nhau đã được thực hiện giữa những viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam với những viện của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine, đặc biệt là Viện Hàn điện, Viện Địa lý, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Kinh tế và Dự báo, Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện nghiên cứu chế tạo máy móc, Viện Vật lý Nhiệt Kỹ thuật, Viện Vật lý-Công nghệ Kim loại và Hợp kim, Viện Sinh học Biển Nam, Trung tâm toán Quốc tế, Viện Cơ Khí cũng như với Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Quốc gia Ukraine.
Các trường đại học Ukraine thân quen với người Việt Nam từ thời Liên Xô. Hàng nghìn chuyên gia Việt Nam thuộc các chuyên ngành khác nhau như y học, khoa học kỹ thuật, công nông nghiệp, quản lý hành chính, ngôn ngữ học, nhạc học, mỹ thuật v.v. đã được đào tạo tại Ukraine. Sau khi Ukraine giành độc lập, vẫn tiếp tục tiếp nhận sinh viên Việt Nam nhưng với số lượng ít hơn xưa.
Hiện nay, hai nước đã ký một số văn bản về hợp tác giáo dục như: Hiệp định về Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (1994), Hiệp định Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và khoa học giữa Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraina và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (2003), Hiệp định liên Chính phủ về việc Công nhận bằng đại học, học vị, học hàm khoa học (năm 2004), Hiệp định liên Chính phủ về Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (năm 2011) cùng những hiệp định, biên bản giữa một số trường học cụ thể. Các thoả thuận trên đảm bảo sự hợp tác trong ngành giáo dục ở các cấp, trao đổi sinh viên các ngành khác nhau.
Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt cần lưu ý việc đào tạo chuyên gia ngôn ngữ, làm cầu nối để hai dân tộc hiểu nhau tốt hơn. Ukraine đã có một số cơ sở giảng dạy tiếng Việt. Trên cấp trung học có hai trường trung học phổ thông ở Kyiv đã có lớp giảng dạy tiếng Việt với tư cách là ngoại ngữ chính, ngoại ngữ phụ hoặc hoạt động ngoại khoá tuỳ theo thời kỳ, đó là trường số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ năm 1990) và trường chuyên dạy các ngôn ngữ Phương Đông số 1 (từ năm 1999). Lớp ngoại khoá cho các cháu người Việt học tiếng mẹ đẻ đã được tổ chức ở những thành phố có đông người Việt Nam sinh sống như Kyiv, Odesa và Kharkiv. Ở cấp đại học có ba trường đã giảng dạy tiếng Việt: TĐH Thế giới Phương Đông Kyiv (2005-2011), TĐH Ngoại ngữ Kyiv (2011-2015) và TĐH Quốc gia Kyiv mang tên Taras Shevchenko (2012 đến nay). Hiện tại ở Ukraine chỉ có một trường đại học duy nhất có chương trình dạy tiếng Việt, đó là Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Kyiv mang tên Taras Shevchenko. Tính đến tháng 8/2023 đã có 7 khóa cử nhân (tổng số 39 người) và 5 khóa thạc sĩ (17 người) đã tốt nghiệp ra trường. Hiện tại, có 9 sinh viên đang theo học chương trình cử nhân, 2 sinh viên theo học cao học và 1 người làm nghiên cứu sinh tại Trường. Các cơ sở đào tạo khác ngưng dạy tiếng Việt vì những lý do khác nhau như thiếu giáo viên, thiếu kính phí, do cuộc sơ tán tránh chiến tranh của đa số người Việt Nam ra khỏi Ukraine. Về phía Việt Nam, theo như chúng tôi được biết năm 2006 đã tổ chức được khoá đào tạo dạy tiếng Ukraine cho những lưu học sinh chuẩn bị đi sang học ở Ukraine. Tuy nhiên gần đây không có cơ sở giáo dục nào dạy tiếng Ukraine ở Việt Nam và đó là một thiếu sót trong quan hệ của hai nước.
Giao lưu văn hoá, văn học, du lịch
Ukraine và Việt Nam là hai nước phong phú về văn hoá, và giao lưu văn hoá tạo thuận lợi cho phát triển quan hệ giữa hai phía. Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học (1994), Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Bộ Văn hóa Ukraine và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam 2011-2015 tạo cơ sở pháp lý hợp đồng để thiết lập quan hệ trong lĩnh vực văn hóa. Hai nước đã tổ chức những Ngày văn hóa Việt Nam tại Ukraine và Ngày văn hóa Ukraine tại Việt Nam, triển lãm tranh ảnh, các buổi hoà nhạc, chiếu phim ảnh, lễ hội, thi đua thể thao nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Hợp tác trong ngành du lịch dựa trên Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch (2000), kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015. Để thúc đẩy quan hệ du lịch hai bên đã tổ chức diễn đàn và hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch và công ty đối tác. Sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực du lịch có tiềm năng đáng kể cho cả hai nước và có thể thu hút thêm đầu tư. Tuy nhiên bây giờ chỉ có thể phát triển sự hợp tác này một chiều, Ukraine tạm thời không đảm bảo được an toàn cho khách nước ngoài.
Văn học phản ánh cuộc sống và tình cảm của con người trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể. Văn chương gắn liền với thời cổ xưa và thời hiện đại, với văn hóa cổ truyền và đời sống thực tiễn. Vì vậy, khi đọc sáng tạo văn học nước ngoài thì chúng ta tìm hiểu lịch sử, văn hóa, nhân cách của dân tộc khác mình. Người Việt Nam và người Ukraine bắt đầu làm quen với văn học của nhau khoảng từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước. Lúc đầu đó là các bản dịch gián tiếp qua ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Nga. Về sau đã có dịch giả dịch trực tiếp từ tiếng Ukraine và tiếng Việt. Độc giả Việt Nam có thể thưởng thức những tác phẩm thi ca và văn xuôi của tác giả Ukraine cổ điển như Taras Shevchenko, Lesia Ukrainka, Ivan Franko, nhiều nhất là tác giả thế kỷ XX như Maksym Rylskyi, Mykhailo Stelmakh, Oles Honchar, Oleksandr Dovzhenko, Pavlo Tychyna, Volodymyr Sosiura, Lina Kostenko v.v., và một số tác giả hiện đại như Sehrhiy Zhadan, Serhiy Dziuba, Tetiana Dziuba, Halyna Kruk v.v. Độc giả Ukraine có thể độc bằng tiếng mẹ đẻ những tác giả Việt Nam như Nguyễn Đình Chiểu, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Huy Cận v.v. Tuy nhiên, hiện chưa có dịch phẩm tác phẩm văn học hiện đại của Việt Nam ngoại trừ một số tác giả hải ngoại viết bằng ngôn ngữ châu Âu như Nguyễn Việt Thanh, Kim Thuý.
Theo chúng tôi, các nhà khoa học, nhà văn và những người khác quan tâm đến giao lưu văn hóa, văn học giữa hai nước cần phải phối hợp nỗ lực của mình để cùng làm những bước thực tế thúc đẩy giao lưu đó.
Giao lưu xã hội, cộng đồng
Hoạt động của các hội hữu nghị "Ukraine - Việt Nam" và "Việt Nam - Ukraine" tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quan hệ xã hội. Đặc biệt, các hội hữu nghị góp phần thiết lập mối quan hệ kết nghĩa giữa các khu vực, đã có các thỏa thuận giữa Kyiv và Hà Nội, Kharkiv và Khánh Hòa, Feodosia và Hải Phòng, thậm chí giữa quận Troeschina ở Kyiv và quận Thanh Xuân ở Hà Nội. Ngoài ra, hội hữu nghị còn duy trì liên lạc với các nhóm cựu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Ukraine rất đông và tích cực, khuyến khích các thành viên của họ gặp gỡ với giáo viên, bạn bè ở Ukraine, thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến kinh doanh song phương. Hai hội hữu nghị cũng tham gia tổ chức chuyến đi cho nhà báo, trẻ em, cựu chiến binh, nghệ sĩ và người khác để tìm hiểu về đất nước Ukraine và Việt Nam, tham gia các cuộc thi, bồi dưỡng sức khoẻ v.v.
Cộng đồng người Việt tại Ukraine góp phần thiết lập quan hệ xã hội. Năm 2007, nhờ công sức của cộng đồng một ngôi chùa Phật giáo được xây dựng ở Kharkiv, trở thành nơi tụ tập của người Việt và thắng cảnh của thành phố. Cộng đồng cũng tổ chức xuất bản báo chí bằng tiếng Việt cả ở dạng in giấy lẫn điện tử. Đồng bào người Việt Nam ở Ukraine quan tâm giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình và đồng thời giới thiệu văn hoá Việt Nam cho người Ukraine. Theo Cục Di cư Nhà nước Ukraine, đã có khoảng 8.000 công dân Việt Nam sống trên lãnh thổ Ukraine trước khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu (đến tháng 5/2023 chỉ còn khoảng 800 người). Người Việt ở Ukraine đông nhất sinh sống ở Kharkiv, Odesa và Kyiv. Cộng đồng người Ukraine ở Việt Nam tính đến tháng 5/2023, có 124 người đăng ký tại lãnh sự quán Ukraine. Theo dữ liệu ước tính, số lượng công dân Ukraine thực sự sống trên toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam không vượt quá 700 người. Các thành phố Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi cư trú tập trung của người Ukraine tại Việt Nam [5]. Cộng đồng hải ngoại bắc cầu hữu nghị và hiểu nhau giữa hai nhân dân.
Hội cựu chiến binh Kharkiv từng công tác tại Việt Nam thời kỷ khang chiến chống Mỹ hoạt động từ năm 2001. Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine không ngừng hỗ trợ các cựu chiến binh, tôn trọng và ghi nhớ công lao của họ đối với phong trào chống ngoại xâm của Việt Nam, tổ chức các cuộc gặp mặt đáng nhớ và giúp đỡ tài chính. Việt Nam cũng không quên công lao đóng góp của các chiến sĩ Ukraine vào công cuộc giải phóng đất nước. Truyền hình Việt Nam đã quay chương trình nhiều tập về những người lính quốc tế ở Việt Nam, được khán giả truyền hình rất yêu thích.
Nhân dân Việt Nam còn nhớ rõ nỗi đau chiến tranh, nên ngoài viện trợ 500.000 USD của Chính phủ Việt Nam đưa cho Ukraine để khắc phục hậu quả nhân đạo do hành động xâm lược của quân đội Nga, trong hai năm 2022 và 2023, hàng loạt sự kiện từ thiện quy mô lớn đã được tổ chức tại Hà Nội và TP. HCM nhằm gây quỹ giúp đỡ Ukraine. Như vậy, sự giao lưu xã hội và cộng đồng, tương trợ lẫn nhau giữa nhân dân Ukraine và Việt Nam được tiến hành trong cả thời ổn định, lành mạnh, cả thời khó khăn.
Đánh giá và đề xuất để xúc tiến quan hệ song phương
Ở cấp nhà nước, Ukraine và Việt Nam đã có đủ cơ sở để hợp tác nhiều mặt: hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, đã thiết lập quan hệ ngoại giao, đã ký kết những hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, tài chính, khoa học, giáo dục, văn hóa. Như vậy, về cơ bản, đã có một cơ sở pháp lý, nhưng cần được bổ sung và tạo cơ chế để thực hiện hiệu quả. Để làm được việc này cần tích cực hoá đối thoại chính trị và giao tiếp ở các cấp độ.
Cả hai nước đều có vị trí địa chính trị quan trọng nên có những vấn đề giống nhau trong chính sách đối ngoại (sức ép từ nước láng giềng lớn, mong muốn được tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế khu vực), cả Ukraine và Việt Nam đều đang tích cực cải cách kinh tế, hoàn thiện cơ cấu quản lý nhà nước. Như vậy, có những điểm giao thoa để cùng bước tiến. Hai bên nên hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ LHQ và các tổ chức quốc tế khác. Đặc biệt, phía Ukraine mong Việt Nam sẽ lên án sự xâm lược bạo lực của Nga và ủng hộ Ukraine bảo vệ chủ quyền của mình, giành chiến thắng và thiết lập hoà bình.
Về quan hệ kinh tế thương mại, trước khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, đã có những thành tựu, nhưng sang năm 2022, kim ngạch giảm đáng kể. Cần phải cải thiện khung pháp lý, đặc biệt là các thoả thuận trong lĩnh vực ngân hàng để đảm bảo thanh toán trực tiếp, công nhận bảo lãnh ngân hàng. Khoảng cách giữa hai nhà nước làm phát sinh thêm chi phí vận chuyển, do đó tăng giá một số loại sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh. Nhu cầu về thành lập khu vực thương mại tự do đã được bàn luận từ lâu và cần được giải quyết. Doanh nhân chưa hiểu rõ về thị trường và chiến lược kinh doanh của cả hai nhà nước. Do vậy, một vấn đề cấp bách nữa là cần tổ chức nguồn truyền thông tin trực tiếp, nhanh, đáng tin cây để doanh nghiệp được nắm bắt tình hình và đánh giá thuận lợi và rủi ro chính xác.
Xét về các lĩnh vực hợp tác thì nên phân biệt những khả năng có thể thực hiện trong khi Ukraine đang ở tình trạng thiết quân luật và triển vọng dài hạn khi đạt hoà bình. Ukraine tạm thời không xuất nhập khẩu được mặt hàng đòi hỏi vận chuyển bằng đường biển vì các cảng bị chặn, không xuất khẩu được vũ khí, kỹ thuật quân sự, hạn chế xuất khẩu một số loại ngũ cốc, đường, muối và phân bón. Tuy nhiên, thủ tục hải quan nhập khẩu cho một số loại sản phẩm (như dược phẩm, công cụ y tế, thịt, cá, trà, cà phê, xăng, gas v.v.) lại đơn giản hoá tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nhập khẩu.
Triển khai các dự án dài hạn liên quan đến kỹ thuật công nghệ có triển vọng. Đó là ngành năng lượng (năng lượng tái tạo, thuỷ điện), y học (hàn mô sống), phát triển khoáng sản (xây dựng mỏ than sâu, phát triển quặng titan và sắt, chế biến bauxite, xử lý bùn đỏ). Lĩnh vực kỹ thuật quân sự cũng có tiềm năng cao (hiện đại hóa vũ khí và thiết bị quân sự). Cần lưu ý công nghiệp vũ trụ, đường bộ và vận tải (hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt và cảng), hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (xuất nhập khẩu nông phẩm, triển khai công nghệ bảo quản và chế biến ngũ cốc, chuyển giao dây chuyền chăn nuôi gia cầm, cung cấp thiết bị cho ngành nông nghiệp).
Một lĩnh vực cần quan tâm trong thời Cách mạng công nghệ 4.0 là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Ukraine đang áp dụng thành công các công nghệ thông tin vào ngành ngân hàng, quản lý nhà nước, giáo dục, quản lý quá trình sản xuất, thiết kế. Ukraine và Việt Nam cũng nên tăng trưởng sự hợp tác về các dịch vụ.
Biểu đồ 3. Một số lĩnh vực hợp tác kinh doanh Ukraine-Việt Nam có tiềm năng
Để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước một cách tích cực và có hiệu quả, phải có những chuyên gia hiểu biết sâu về tình hình thực tế trong nước, về phong tục tập quán trong ứng xử, về tính cách con người trong giao tiếp, về việc thông qua quyết định, về thủ tục làm việc, về đặc điểm luật pháp, về cách thức làm kinh doanh. Nhưng để có được những kiến thức chuyên sâu như vậy, cần phải có những chuyên gia giỏi về ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Ukraine. Như vậy, đảm bảo được triển khai các kế hoạch trước đây và chuẩn bị kế hoạch hợp tác mới trên cơ sở nhu cầu và khả năng thực tế của hai nước.
[1] Theo thông tin của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam
[2] Theo số liệu của Cục Thống kê Nhà nước Ukraine, https://www.ukrstat.gov.ua
[3] Theo số liệu của Cục Hải quan Nhà nước Ukraine, https://customs.gov.ua
[4] Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Ukraine, https://bank.gov.ua/